Nhắc đến đỉnh Tà Xùa là các phượt thủ thường nghĩ ngay đến những biển mây bồng bềnh trong nắng sớm. Có rất nhiều những bức ảnh đẹp về biển mây ở Tà Xùa, vậy còn những ngày không mây ở đỉnh núi được coi là một trong những nóc nhà của tỉnh Sơn La này thì như thế nào?
Tôi vượt hơn 200km đường từ Hà Nội đến xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La vào một ngày trời trong với mục đích ngắm nhìn Tà Xùa một ngày không có biển mây và hi vọng được nhìn thấy bầu trời đầy sao về đêm.
Con đường từ trung tâm huyện Bắc Yên lên Tà Xùa chỉ dài hơn 20km nhưng không dễ dàng chút nào. Dù đường đã được trải nhựa nhưng những vụ sạt lở thường diễn ra trên núi làm nhiều đoạn bị biến dạng nặng nề khiến chiếc xe của tôi bị chạm gầm liên tục, ì ạch về số 1 để ‘bò’ lên đỉnh núi. Những đoạn đường khúc khuỷu đầy sỏi đá, một bên vách núi, một bên là vực sâu phía dưới khiến tôi cảm thấy có phần hoang mang về chuyến đi lần này. Anh bạn đi cùng thấy vậy liền kể tôi nghe một câu chuyện thường diễn ra ở vùng cao, nơi đường xá đi lại khó khăn như thế này: “Cậu thấy đường đi khó thế đấy, vậy nên người ở trên này cả tuần chỉ đi xuống huyện mua thực phẩm một lần thôi. Mỗi lần mua hẳn cả chục kg thịt lợn về ăn dần. Đường xóc quá nên chuyện rơi mất thịt là chuyện bình thường. Thỉnh thoảng anh cũng nhặt được mấy túi thịt lợn rơi giữa đường”.
Một điểm chung mà tôi nhận thấy đa phần người Mông ở đây rất thấp, ước chừng chỉ khoảng 1m50. Tìm hiểu về chuyện này, tôi được anh bạn đang công tác ở đây giải thích là do điều kiện về dinh dưỡng của họ không có nhiều, hơn nữa việc hôn nhân cận huyết vẫn còn khá phổ biến, chỉ cần khác họ là đôi trai gái có thể cưới nhau được.
Kiều Dương